Chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động, thế hệ gen Z hiện đang là nhóm nhân sự được nhiều nhà quản lý doanh nghiệp quan tâm và săn đón, bao gồm cả ngành F&B cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thế hệ gen Z lại có những khác biệt so với những thế hệ đi trước, đòi hỏi các chủ nhà hàng phải có chiến lược thích hợp để thu hút và giữ chân họ hiệu quả.
[crp]
Nhân sự như cánh cửa xoay tròn trong ngành công nghiệp kinh doanh ăn uống, và ảnh hưởng từ các đổi thay của thị trường càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng thiếu hụt nhân sự trong vài năm qua đã khiến nhiều nhà hàng rơi vào sự sụt giảm doanh số, mất năng suất, và buộc phải cắt giảm giờ làm việc cũng như hạn chế các lựa chọn dịch vụ của mình. Vào năm 2021, ngành F&B đã ghi nhận con số khổng lồ lên đến 86,3% nhân viên nghỉ việc.
Hầu hết các nhà hàng, đặc biệt là những thương hiệu kinh doanh thức ăn nhanh đều ưu tiên tuyển dụng người dưới 25 tuổi. Việc thu hút lực lượng lao động trẻ tuổi sẽ có nhiều thách thức nhất định, trong đó bao gồm vấn đề lương thưởng và cơ hội nghề nghiệp phải thật sự hấp dẫn với họ. Thế nhưng đồng thời, đây cũng là động lực để các chủ nhà hàng nỗ lực tìm cách khai thác nhóm nhân lực thuộc thế hệ mới này.

Nội dung chính
Tạo phúc lợi tiền thưởng giới thiệu
Tiền thưởng giới thiệu (Referral bonus) là loại tiền thưởng dành cho nhân viên của bạn khi họ giới thiệu ứng viên thích hợp cho vị trí đang tuyển tại nhà hàng của mình. Vào khoảng thời gian đỉnh điểm của đại dịch, nhiều thương hiệu thức ăn nhanh bắt đầu thực hiện chính sách tạo phúc lợi tiền thưởng giới thiệu và tiền thưởng duy trì (Retention bonus, khoản tiền để doanh nghiệp giữ chân nhân viên của mình).
Một ví dụ điển hình cho chiến lược này là Chipotle khi thương hiệu đưa ra đề nghị tặng thưởng 200 đô la cho bất kỳ nhân viên nào giới thiệu được ứng viên phù hợp với các vị trí trong đội ngũ nhân sự, và lên tới 750 đô la cho vị trí quản lý. Việc cung cấp tiền thưởng giới thiệu như vậy sẽ giúp bạn khuyến khích nhân viên lựa chọn tiếp tục làm việc tại hệ thống của mình thay vì các đối thủ cạnh tranh, cũng như thu hút thêm nhiều nhân sự mới. Đồng thời, bên cạnh tiền thưởng thì được làm việc cùng với bạn bè hoặc người thân của mình cũng là một yếu tố tích cực cho đội ngũ nhân viên của bạn. Có thể nói chiến lược này mang đến hiệu quả đôi bên cùng có lợi.

Thúc đẩy lịch trình linh hoạt
Đại dịch xuất hiện đã chuyển nhiều công việc sang ưu tiên làm việc từ xa để tuân thủ theo các chỉ thị giãn cách xã hội. Thế nhưng cũng chính điều này đã khiến việc tuyển dụng của ngành F&B trở nên khó khăn hơn, bởi đặc tính trong kinh doanh ăn uống là làm việc trực tiếp tại nhà hàng và hoạt động theo ca. Từ đây, các chủ nhà hàng dần học được cách sắp xếp giờ giấc làm việc linh hoạt hơn, tạo sự chủ động cho nhân viên có thể cân bằng giữa ca làm và thời gian cá nhân của mình. Chính sự linh hoạt trong lịch làm việc là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút các nhân sự trẻ hiện nay.
Ngày nay có rất nhiều công nghệ nhà hàng có thể hỗ trợ bạn thực hiện quá trình sắp xếp lịch trình cho nhân viên một cách đơn giản và nhanh chóng. Một số phần mềm hoặc hệ thống cho phép bạn mở quyền truy cập đăng ký ca làm đến tất cả nhân viên, mọi người có thể đăng ký thời gian phù hợp nhất với mình và thuận tiện đổi ca cho nhau khi có nhu cầu. Mặc dù việc sắp xếp lịch làm việc linh hoạt có thể sẽ khiến bạn phải bận tâm nhiều hơn, thế nhưng đây vẫn là giải pháp mang đến hiệu quả lâu dài và giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.
Xây dựng văn hóa nội bộ lành mạnh
Dù là ngành nghề hay công việc nào thì mọi nhân viên đều mong muốn nơi làm việc của mình có được văn hóa nội bộ công bằng, tích cực và thân thiện. Các áp lực đến môi trường làm việc thường khiến mọi người dễ quyết định nghỉ việc và tìm đến doanh nghiệp khác hơn so với những lý do khác.
Việc tạo ra môi trường làm việc lý tưởng nên bắt đầu từ cấp trên, đảm bảo người quản lý của bạn đang nỗ lực tạo điều kiện để xây dựng bầu không khí nội bộ thân thiện và tích cực. Thêm vào đó, trong quá trình đào tạo cũng vô cùng quan trọng. Mỗi người khi được đào tạo đúng cách và bài bản sẽ giúp họ tự tin và có động lực làm việc hơn. Làm thế nào để đào tạo và quản lý đội ngũ nhân viên hiệu quả là sự kết hợp tinh tế giữa nguyên tắc và tình cảm, đòi hỏi bạn phải chấp nhận đầu tư cả về thời gian lẫn công sức của mình để thực hiện mục tiêu này.
Cuối cùng, đừng quên rằng, đối với nhiều nhân viên gen Z thì đây có thể là công việc đầu tiên của họ. Do vậy, hãy tận tình hướng dẫn chi tiết cũng như đánh giá cao những việc họ làm tốt để khích lệ tinh thần làm việc càng năng suất hơn. Chẳng hạn như với Wendy’s thường sẽ dành tặng huy hiệu cho những nhân viên làm việc xuất sắc như một sự công nhận với những gì họ đã đóng góp cho thương hiệu của mình. Thể hiện sự thấu hiểu đối với các vị trí nhân viên trong hệ thống của mình sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng xung đột nội bộ và thúc đẩy cảm giác trách nhiệm trong mỗi người.
Sự đổi mới trong quy trình quản lý nhân sự, sáng tạo và linh hoạt hơn sẽ là chìa khóa giúp bạn có thể thu hút và giữ chân đội ngũ gen Z hiệu quả. Trong vài năm tới, thế hệ gen Z có thể sẽ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động của bạn. Chính vì vậy mà xây dựng chiến lược tiếp cận và làm quen với nhân sự gen Z ngay từ bây giờ sẽ giúp bạn trở thành thương hiệu thân thiện với lực lượng trẻ hơn, gia tăng lợi thế cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường trong vấn đề tuyển dụng sau này.